MỘT SỐ GIẢI PHÁP LÀM TỐT CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP

Thứ ba - 04/12/2018 07:51
Như chúng ta đã biết: Công tác chủ nhiệm quyết định không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Làm tốt công tác chủ nhiệm tức là người giáo viên đã hoàn thành tốt việc giảng dạy các bộ môn và tổ chức giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Đặc biệt trong nhà trường, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm thay mặt nhà trường quản lý điều hành lớp, trực tiếp giáo dục tư tưởng đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, là cầu nối giữa ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.
    Trong giai đoạn hiện nay, công tác chủ nhiệm lớp ngày càng đòi hỏi sự dày công của người giáo viên bởi yêu cầu ngày càng cao của xã hội đang phát triển, bởi tình hình cuộc sống vẫn đang tồn tại những tác động xấu đến học sinh, bởi sự mưu sinh của gia đình nên không ít phụ huynh đã giao phó việc giáo dục con cái cho nhà trường.  Làm tốt công tác chủ nhiệm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giáo dục học sinh - nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi học sinh có thể tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Là giáo viên chủ nhiệm trong nhiều năm, trải qua nhiều thành công và cả thất bại trong công việc này tôi đã rút ra 10 biện pháp giúp người giáo viên thực hiện hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp.
1. Tìm hiểu, nắm bắt đối tượng học sinh
Ngay sau khi nhận lớp chủ nhiệm, giáo viên cần tiến hành tìm hiểu, nắm bắt thông tin về đối tượng học sinh lớp chủ nhiệm qua các kênh thông tin khác nhau:
Điều tra qua học bạ năm học trước của học sinh, qua giáo viên chủ nhiệm cũ; lập phiếu điều tra các thông tin cá nhân; tiến hành phân loại học sinh…
Sự phân loại và các thông tin trên là căn cứ để lựa chọn học sinh có năng lực, nhiệt tình vào Ban cán sự lớp, đồng thời cũng là cơ sở để đưa ra những biện pháp phù hợp trong việc giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm.
2. Hoàn thiện tổ chức lớp
Cơ sở lựa chọn đội ngũ cán sự có thể căn cứ vào hồ sơ học bạ của học sinh, căn cứ vào những thông tin cá nhân của học sinh mà giáo viên chủ nhiệm đã thu thập được; căn cứ sự tín nhiệm của tập thể lớp; sự nhiệt tình, năng nổ, ý thức tổ chức kỷ luật, tính gương mẫu và các biểu hiện ban đầu của học sinh trong tập thể lớp.
Giáo viên chủ nhiệm cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban cán sự lớp. Giáo viên có thể phân thêm tổ phó, bàn trưởng (có sự thay đổi luân phiên theo từng tháng để phát huy tốt vai trò tự quản của học sinh.
Xây dựng dựng đội ngũ tự quản là nền tảng cho công tác chủ nhiệm và cũng là một việc làm quan trọng và khó khăn đối với giáo viên chủ nhiệm.
Khi đã tìm được đội ngũ cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm cần bồi dưỡng học sinh ý thức trách nhiệm cao đối với lớp, phục vụ tập thể lớp, biết phê bình và tự phê bình, phương pháp quản lý lớp.
3. Lập sơ đồ tổ chức lớp học.
Khi sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh trong lớp, giáo viên không nên quá áp đặt và cũng không đưa ra tiêu trí xếp nam, nữ ngồi cạnh nhau. Có thể dựa trên các cơ sở: Tình trạng sức khỏe của học sinh; học lực và căn cứ vào nhiệm vụ của ban cán sự lớp.
Lưu ý: Học sinh cần ngồi đúng theo sơ đồ lớp học dưới sự giám sát của giáo viên bộ môn trong các tiết học, của bàn trưởng, tổ trưởng…
Giáo viên cần có sự điều chỉnh chồ ngồi của học sinh kịp thời nếu thấy sự bất hợp lí theo phản ánh của chính bản thân học sinh, cán sự lớp, giáo viên bộ môn,…. ví dụ mất trật tự, không chú ý, nhận thức chậm.
4. Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể
Căn cứ vào đặc điểm tình hình lớp, giáo viên nên lập tiêu trí thi đua, mục tiêu cụ thể, các giải pháp thực hiện rồi công bố trước lớp, thông qua và xin ý kiến phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh đầu năm. Sau đó thống nhất, đưa ra cho tập thể lớp thực hiện, lấy đó làm cơ sở để xếp loại thi đua.
Có sự điều chỉnh và thay đổi, bổ sung kịp thời tùy theo tình hình thực hiện nội quy, nề nếp và ý thức rèn luyện của học sinh.
Đề ra định mức khen thưởng và kỉ luật kịp thời thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm, giữa năm,...
5. Giáo dục đạo đức học sinh qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm
Giờ sinh hoạt lớp  có thể theo tiến trình: Nhận xét, đánh giá (từ 15 đến 20 phút); sinh hoạt tập thể (từ 25 đến 30 phút) với các hoạt động vui học, rèn kỹ năng sống để học sinh có cơ hội được thể hiện mình. Cuối một học kì và cuối mỗi năm học, giáo viên có thể cho học sinh tự bộc bạch về ước mơ, hoài bão của bản thân, những vướng mắc gặp phải, những mong muốn, đề xuất (nếu có)...
Trong sinh hoạt 15 phút đầu giờ, giáo viên lên kế hoach cụ thể cho từng buổi và phân công cho từng cá nhân phụ trách. Trong tuần, ngoài nội dung bắt buộc theo quy định của Đội, giáo viên có thể dành hai buổi để học sinh trao đổi ước mơ, hoài bão, hoặc tìm hiểu về gương người tốt, việc tốt nhất là các tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập...
6. Học sinh rèn ý thức tự giáo dục bằng sổ tự cập nhật
Cùng với việc thực hiện, phát huy tác dụng của sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ ghi chép của lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng tôi còn  lập một quyển sổ với tên “nhật kí học tập” và treo vào vị trí trang trọng trong lớp. Ở sổ này, sau mỗi buổi học, học sinh có thành tích tốt và bị phê bình, nhắc nhở tự ghi nhật ký, có chữ ký xác nhận của tổ trưởng.
Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm tổng kết nhận xét, đánh giá, khen thưởng và phê bình, nhắc nhở kịp thời.
7. Kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn
Nội dung phối hợp: Để dạy học có hiệu quả; để theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học tập của tập thể và cá nhân; giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tập hợp ý kiến của đồng nghiệp về lớp mình, lớp bạn; trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp về những vấn đề cụ thể của lớp để cùng đưa ra giải pháp giáo dục thống nhất; đề xuất các ý kiến của tập thể học sinh về công tác dạy và học với giáo viên có liên quan...
8. Kết hợp với Chi hội cha mẹ học sinh, gia đình học sinh
Khi làm công tác chủ nhiệm, giáo viên cần: Tổ chức và thực hiện tốt các kỳ họp phụ huynh học sinh do nhà trường đề ra.
Đi thăm trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với gia đình học sinh khi cần thiết.
Mời phụ huynh học sinh đến trường trao đổi về việc giáo dục học sinh khi có những hiện tượng bất thường và khẩn cấp.
Liên hệ thường xuyên với Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh để tích cực hóa các hoạt động của hội phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục.
Mỗi chủ điểm sinh hoạt trọng tâm mời Chi hội trưởng Hội phụ huynh học sinh dự buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua sổ liên lạc và qua điện thoại.
Cung cấp cho phụ huynh số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh tiện liên hệ khi cần thiết.
9.Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể
Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được kế hoạch của nhà trường, Đội thiếu niên để phối hợp và phổ biến kịp thời đến học sinh.
Thường xuyên động viên, đôn đốc nhắc nhở các em tham gia tốt các hoạt động Đội sao, phong trào thi đua do Đội phát động.
Thường xuyên động viên, đôn đốc nhắc nhở các em thực hiện tốt các các nội quy của trường đề ra.
10. Giáo dục học sinh cá biệt
Giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu lý lịch, tính cách học sinh, tìm hiểu điểm yếu, thế mạnh của những học sinh này. Kết hợp với giáo viên bộ môn, nhà trường, gia đình trong hoạt động giáo dục.
Giáo viên không nên nóng vội mà phải kiên trì uốn nắn dần; giao cho học sinh cá biệt một số việc phù hợp với năng lực; sau đó động viên khuyến khích kịp thời những việc làm tốt.
Lập kế hoạch cho cán sự lớp để thành lập các cặp đôi bạn cùng tiến. Luôn thông báo kịp thời các thông tin về học sinh với gia đình và ngược lại.
Phải gần gũi, thân thiện, biết lắng nghe để học sinh cá biệt giải bày được tâm tư, khúc mắc để cùng giáo viên bộ môn và gia đình phối hợp giáo dục.
 Trên đây là một số giải pháp nâng cao công tác chủ nhiệm lớp mà bản thân đã và đang thực hiện tại lớp mình phụ trách
 

Nguồn tin: Giáo viên: Thái Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn cần  
/
 để chia sẽ thông tin,ý kiến ...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 HÌNH ẢNH NỔI BẬT

  LIÊN KẾT ỨNG DỤNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập5
  • Hôm nay356
  • Tháng hiện tại5,788
  • Tổng lượt truy cập791,871
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây