Nâng cao chất lượng viết đoạn văn ngắn cho học sinh lớp 2

Thứ sáu - 25/01/2019 08:29
         Quá trình dạy học là một quá trình tư duy sáng tạo - người giáo viên là một kĩ sư của tâm hồn, hơn nữa còn là một nhà nghệ thuật. Và việc dạy học ngày nay luôn dựa trên cơ sở phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Chính vì thế, nó đòi hỏi người giáo viên phải luôn có sự sáng tạo, tự cải tiến phương pháp dạy học của mình nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi môn học ở Tiểu học đều góp phần hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, cung cấp cho trẻ những kiến thức cần thiết.
          Phân môn Tập làm văn ở Tiểu học có nhiệm vụ rất quan trọng là rèn kĩ năng nói và viết. Thế nhưng hiện nay, đa số các em học sinh lớp 2 đều rất sợ học phân môn Tập làm văn vì không biết nói gì? Viết gì? Ngay cả bản thân giáo viên đôi khi cũng không tự tin lắm khi dạy phân môn này so với các môn học khác.
         Trong chương trình Tập làm văn lớp 2, ngay từ đầu năm học, các em được làm quen với đoạn văn và được rèn kĩ năng viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu. Tôi dự giờ thăm hỏi một số lớp, tôi nhận thấy các em còn lúng túng, nhiều học sinh làm bài chưa đạt yêu cầu. Các em thường lặp lại câu đã viết, dùng từ sai, cách chấm câu còn hạn chế có em viết không đúng yêu cầu của đề bài hoặc có những bài làm đảm bảo về số câu nhưng viết không đủ ý.Việc dạy cho học sinh viết đoạn văn chính là quá trình giáo viên khơi dậy sự hiểu biết và cảm nhận của các em về người, vật và cuộc sống xung quanh. Điều đó đòi hỏi giáo viên dạy cho học sinh có cách tổ chức, sắp xếp câu, ý sao cho lôgic, cách sử dụng từ chính xác và hay khi viết. Song thực tế chỉ ra rằng một số học sinh lớp 2 khó nhận thức được việc sắp xếp ý (cảm nhận của mình) theo trật tự đúng. Vốn sống của các em còn hạn chế, do đó khi diễn đạt học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Sự sắp xếp tổ chức câu trong đoạn còn rời rạc. Các câu độc lập về nội dung chưa có sự liên kết và lôgic … Đôi khi các em còn viết câu không rõ ý, từ lặp lại nhiều… Là một giáo viên đứng lớp nhiều năm, tôi rất băn khoăn và trăn trở: Làm thế nào để giúp các em thực hiện được mục tiêu đã đề ra? Bản thân tôi luôn cố gắng để tìm ra những biện pháp nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
          Kiến thức - kĩ năng Tập làm văn lớp Hai được sắp xếp từ dễ đến khó một cách hợp lý. Đầu lớp Hai, các em được thực hiện các bài tập “Trả lời câu hỏi” (Tuần 1, tuần 5, tuần 8, tuần 14), bài tập “Nói lại – nhắc lại” (Tuần 1, tuần 2), sau đó nâng lên một bước HS được làm các bài tập “Sắp xếp lại thứ tự các tranh và dựa theo nội dung các tranh để kể lại câu chuyện”, “Sắp xếp lại các câu cho đúng thứ tự của truyện …”. Do đó để giúp HS kể tốt, tôi tổ chức các biện pháp để giúp các em thực hiện tốt các bài tập trên. Ngoài việc yêu cầu HS trả lời đúng nội dung, tôi yêu cầu các em phải trả lời đủ câu. 
Ví dụ: Bài Tập làm văn tuần 5. Câu hỏi: Bạn trai đang vẽ ở đâu? Trả lời: Đang vẽ ở trên tường. (câu cụt) Trả lời đầy đủ: Bạn trai đang vẽ ở trên tường. Tôi yêu cầu các em phải trả lời lại cho đủ thành phần của câu. Thực hiện nhiều lần như thế, kết quả các em có thói quen trả lời đủ câu. Đây cũng là cơ sở để các em kể chuyện tốt. Đối với dạng bài tập “Kể lại theo tranh”“Sắp xếp lại thứ tự các tranh, sau đó dựa theo nội dung các tranh ấy, kể lại câu chuyện”, “Dựa vào tranh, trả lời câu hỏi”, “Dựa vào tranh vẽ, kể chuyện…”, tôi gợi ý cho HS thêm thắt các từ ngữ để kết nối ý giữa các tranh cho câu chuyện thêm sinh động. Đầu tiên tôi gợi ý để các em có năng khiếu thực hiện trước, sau đó nhân ra cho cả lớp. 
Ví dụ 1: Tuần 1, HS làm bài tập “Kể lại nội dung dưới đây bằng 1, 2 câu để tạo thành một câu chuyện.” Theo yêu cầu của đề bài HS có thể kể: “Huệ cùng các bạn vào vườn hoa (tranh 1). Huệ thấy một khóm hồng đang nở rất đẹp (tranh 2). Huệ giơ tay định ngắt bông hồng. Tuấn thấy thế vội ngăn lại (tranh 3). Tuấn khuyên Huệ không được ngắt hoa (tranh 4). Tôi gợi ý cho HS thêm thắt như sau: Một hôm, Huệ cùng các bạn vào vườn hoa (tranh 1). Thấy một khóm hồng đang nở rất đẹp, Huệ thích lắm (tranh 2). Huệ len lén giơ tay định ngắt một bông hồng. Tuấn thấy thế vội ngăn lại (tranh 3). Tuấn khuyên Huệ không nên ngắt hoa trong vườn. Hoa của vườn hoa phải để cho tất cả mọi người cùng ngắm (tranh 4).Chú thích: các từ gạch chân là các từ thêm
Ví dụ 2: TLV Tuần 22 – Yêu cầu của bài tập là: Các câu dưới đây tả con chim gáy. Hãy sắp xếp thứ tự của chúng để tạo thành một đoạn văn:
- Cổ chú điểm những đốm cườm trắng rất đẹp
- Một chú chim gáy sà xuống chân ruộng vừa gặt
- Thỉnh thoảng, chú cất tiếng gáy “cúc cù cu”, làm cho cánh đồng quê thêm yên ả.
- Chú nhẩn nha nhặt thó rơi bên từng gốc rạ.
 Với bài tập này, HS sẽ ý thức rõ hơn về sự liên kết giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Từ đó, các em biết vận dụng để viết các đoạn văn, trong đó các câu, các ý được trình bày mạch lạc, có sự sắp xếp hợp lí.
Rèn các kỹ năng cơ bản cho học sinh viết đoạn văn ngắn.
      Giáo viên cần chú trọng việc rèn viết đoạn văn ngắn cho học sinh. Cần coi đây là công việc có vị trí quan trọng trong chương trình Tiếng Việt lớp 2. Vì có viết đoạn văn tốt thì học sinh mới có nền tảng vững chắc để học văn sau này.
a-Tạo cho học sinh có thói quen quan sát:
          Giáo viên yêu cầu học sinh có thói quen quan sát những sự vật hiện tượng xung quanh để ghi nhận lại và sử dụng khi thật cần thiết. Vì qua thực tế đôi khi tôi cho các em một bài tập tả về cảnh  biển, có em bảo là con chưa bao giờ nhìn thấy biển. Quả đúng như vậy, vì các em được sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên các em không nhìn thấy biển là đúng. Bởi thế giáo viên cũng cần sưu tầm những phim ảnh để có thể trình chiếu cho các em, cho các em quan sát về cảnh biển, … hoặc vào dịp nghỉ hà các em hay được ba mẹ cho đi tham quan tắm biển, nhân đó, giáo viên có thể yêu cầu học sinh quan sát kỹ để có ý tưởng cho tập làm văn tả cảnh biển.
b-Cung cấp vốn từ ngữ cho học sinh:
          Để các em có thể làm được một bài văn tốt, các em phải có vốn từ ngữ phong phú. Mà vốn từ đó, có em tích lũy khá nhiều nhưng chưa biết vận dụng. Có em thì có rất ít hoặc chưa hề có. Bởi vậy, giáo viên chính là người cung cấp. Mà cung cấp ở đâu? Tôi nghĩ trong các bài tập đọc có khá nhiều. Mỗi chủ đề của môn Tiếng Việt thì môn tập đọc đều có những bài văn, bài thơ nói về chủ để đó. Trong các tiết dạy, giáo viên nên tập cho học sinh trả lời thành câu đủ ý và chú ý đến những bài tập đọc có liên quan đến tiết tập làm văn. Từ đó học sinh có thể rút ra những câu văn hay, từ ngữ đẹp và ghi nhớ sau này vận dụng.
Ví dụ:  Qua bài "Tôm Càng và Cá Con" học sinh rút ra được đoạn văn tả về chú Cá Con trong bài “Con vật thân dẹt, trên đầu có đôi mắt tròn xoe, toàn thân phủ một lớp vẩy bạc óng ánh”.  
     Vốn từ còn có trong phân môn luyện từ và câu. Giáo viên có thể cho các em chơi trò chơi, thi đua tìm từ ngữ tả về chú cá. Các em sẽ rất hứng thú và tìm được rất nhiều từ.
      Để hỗ trợ cho học sinh, giáo viên cần cung cấp cho học sinh: Nhiều từ ngữ gợi tả, từ láy, từ tượng thanh, tượng hình … Ví dụ: Mặt biển xanhrộng thành mặt biển xanh  ngắt và rộng mênh mông.  Nối các câu văn lại thành những từ ngữ liên kết như: và, thì, nếu, vậy là ….
       Lưu ý học sinh trong đoạn văn tránh lặp lại từ nhiều lần mà phải thay những từ ngữ lặp lại bằng từ có ý nghĩa tương tự, ví dụ: Bác Hồ thành Bác, Người… thay những từ ngữ thông thường thành những từ ngữ trau chuốt hơn. Ví dụ: buổi sáng thành buổi sớm mai, buổi bình minh.
  1. Ví dụ:  Sau khi thành lập sơ đồ, có thể các em sẽ thành lập một đoạn văn như sau : “Nhà em có nuôi một chú chó. Nó có bộ lông màu vàng. Nó canh nhà rất giỏi. Em rất yêu nó”. Giáo viên có thể khuyến khích học sinh là “con làm đúng nhưng chưa hay. Từ những ý tưởng ban đầu của con, chúng ta sẽ hình thành một đoạn văn hay hơn nhé : “Chú chó nhà em trông mới đáng yêu làm sao! Toàn thân nó phủ một lớp màu vàng và rất mượt. Với thân hình rất to và khỏe trông như anh lính canh. Em thường cái đuôi rất dài. Mỗi khi em đi học về, chú vẫy đuôi rối rít. Nhờ có chú chó giữ nhà mà cả nhà em ngủ ngon hơn. Em rất yêu quý chú !
Khi đó, học sinh sẽ thấy được vẫn là ý tưởng cũ nhưng đoạn văn đã được lột xác, thêm thắt những từ ngữ trau chuốt hơn làm cho đoạn văn đẹp hơn, nghệ thuật hơn.
           Giáo viên có thể sưu tầm những bài văn hay và đọc cho học sinh nghe để học sinh học hỏi. Trưng bày những bài văn hay của các bạn trong lớp để các em noi gương. Tập ghi chép những từ hay, ý đẹp  khi bắt gặp ở đâu đó vào một quyển từ điển riêng của mình. Từ đó, vốn từ của các em sẽ ngày càng nhiều, càng phong phú.
c-Giúp học sinh nắm chắc bố cục của đoạn văn:
       Tạo cho các em thói quen làm văn phải có bố cục 3 phần: mở bài (giới thiệu), thân bài (nội dung), kết luận (tình cảm) và lập sơ đồ trước khi làm tập làm văn. Tôi xin gợi ý một cách lập sơ đồ thông qua một trò chơi “em và chú gà” như sau . Ví dụ :  Khi tả một chú gà, giáo viên cho hai em lên sắm vai, một em là “chú gà”, một em là “người tả”. Cùng lúc đó, giáo viên cho học sinh vẽ sơ đồ trên vở nháp.
“Người tả” sẽ nói một câu để giới thiệu chú gà “nhà em có nuôi một chú gà”
Còn “chú gà” thì vừa nói vừa diễn tà : “tôi có bộ lông nhiều màu sắc. Tôi có cái màu trên đầu. Tôi gáy rất to …”
Người tả lúc này nói về tình cảm của mình đối với chú gà : “Em thường rải thóc cho gà ăn …”
Hoặc có thể tinh giảm em “người tả” chỉ cần một em sắm vai “chú gà”.
Sau khi nghe tả và quan sát xong các em thành lập ra một sơ đồ như sau :


  Từ đó các em đã nắm được đặc điểm của con vật cần tả mà phát triển thành một đoạn văn. Hoặc ta có thể cho em hình thành một đoạn văn qua trò chơi “tiếp sức”.
Từ sơ đồ đã thành lập ở trên, giáo viên yêu cầu học sinh tạo thành câu, cứ thể nối tiếp nhau thành lập thành đoạn văn. Trong lúc đó, giáo viên có thể ghi lại trên bảng, thế là đã có bốn đoạn văn mẫu. Có thể câu văn lúc ấy còn lủng củng nhưng ta có thể sửa chữa.
         Viết đoạn văn ngắn -  Đây là dạng bài  nòng cốt trong môn Tập làm văn lớp 2. Nó đòi hỏi ở người học vốn sống hàng ngày, vốn từ phong phú, đôi mắt quan sát tinh tường, óc tưởng tượng sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy khi dạy dạng bài này giáo viên cần nắm rõ tâm lí lứa tuổi học sinh: Ở lứa tuổi này học sinh nhìn nhận sự việc thế nào? Tính tình của từng học sinh ra sao? Có em tỉ mỉ quan sát, có em rất  hời hợt qua loa. Nên phải nhấn mạnh khi con muốn viết bất cứ cái gì thì các con cần hiểu rõ về cái đó. Con phải tìm hiểu  thông tin về cái đó. Có thể hỏi bạn bè, gia đình, thầy cô hay quan sát thực tế, qua đọc sách báo. Giáo viên cần phối hợp những phương pháp và hình thức dạy học sao cho đảm bảo với mục tiêu.

Nguồn tin: Giáo viên: Thái Thị Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn cần  
/
 để chia sẽ thông tin,ý kiến ...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 HÌNH ẢNH NỔI BẬT

  LIÊN KẾT ỨNG DỤNG

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập9
  • Hôm nay456
  • Tháng hiện tại5,888
  • Tổng lượt truy cập791,971
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây